Chuyển dịch Du học nghề và xuất khẩu lao động sang châu Âu

Nhiều nước châu Âu đang mở cửa, đa dạng ngành nghề, độ tuổi nên lao động xuất khẩu Việt chuyển hướng trong bối cảnh thị trường truyền thống giảm sức hút.

Có ý định đi xuất khẩu lao động vào năm cuối cao đẳng, Bùi Phan Hoài Vũ, 24 tuổi, quyết định chọn Đức sau khi tìm hiểu nhiều thị trường. Theo Vũ, các nước lâu nay hút lao động Việt như Nhật, Hàn giờ không còn hấp dẫn hoặc thủ tục quá khó. “Tôi chọn đi Đức, chi phí ban đầu 150 triệu đồng tương đương như các nước khác”, Vũ nói.

Ngoài nghề điều dưỡng do Cục lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) triển khai, hiện chưa có công ty nào được cấp phép đưa lao động sang Đức. Do đó, Vũ chọn du học nghề đầu bếp, 70% thời gian thực hành tại nhà hàng, còn lại đi học ở trường nhưng không tốn phí.

Tổng thời gian trong tuần vừa học vừa thực hành không được quá 40 giờ. Tiền lương làm việc tại nhà hàng mỗi tháng 1.000 euro. Sau khi nộp thuế, các loại bảo hiểm xã hội, Vũ nhận được 800 euro. Trừ ăn uống, chỗ ở hết 500 euro, thanh niên này vẫn để dành được một khoản. Hàng tháng, anh gửi về Việt Nam 3-5 triệu đồng.

Theo Vũ, so với lương tối thiểu mỗi tháng 2.400-2.600 euro, thu nhập của lao động diện du học nghề khá thấp. Tuy nhiên, thời gian này chỉ kéo dài hai năm. Khi tốt nghiệp, có bằng anh sẽ là lao động chính thức, được hưởng mức lương cao hơn nhiều.

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona), cho biết thị trường truyền thống của doanh nghiệp là Nhật, Hàn. Tuy nhiên, nhiều năm qua công ty tìm thêm các hợp đồng ở châu Âu. Bởi trong khi Nhật giới hạn độ tuổi, thủ tục đi Hàn phức tạp thì một số nước ở châu Âu như Rumani lại khá dễ tính. Lao động phổ thông, yêu cầu tay nghề không quá cao, chỉ cần trong độ tuổi đảm bảo sức khỏe là có cơ hội.

Mỗi năm công ty đưa 200-300 lao động đi một số nước châu Âu. Mức lương tùy thuộc ngành nghề. Chi phí đưa đi không được nhiều hơn một tháng lương theo hợp đồng cho mỗi năm làm việc, chưa kể tiền học tiếng, nghề.

Bà Nguyễn Thị Hường, phụ trách tuyển dụng công ty xuất khẩu lao động Traco ở TP HCM, cho biết 2-3 năm gần đây lao động có xu hướng muốn kiếm việc ở châu Âu thay vì sang Nhật. Nguyên nhân là đồng yen giảm sâu, chi phí ở Nhật ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu “khát” nhân lực nên chính sách thu hút lao động nhập cư có nhiều thay đổi.

Đơn cử như Đức, để thu hút lao động có tay nghề chính phủ đã tạo điều kiện cho người nước ngoài được nhập tịch chỉ sau 5 năm, thay vì 8 như trước đây. Như vậy, sau 5 năm người lao động có thể được xét định cư và bảo lãnh người thân. Đồng thời, người nước ngoài cũng được hưởng chế độ làm việc và phúc lợi bình đẳng như người bản địa. Riêng với Việt Nam, hồi tháng 1, bộ lao động hai nước đã ký Bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực lao động, việc làm giúp mở ra cơ hội hợp tác.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, một số doanh nghiệp Việt đang đưa lao động sang làm việc tại hơn 10 nước châu Âu. Tùy nhu cầu của nước sở tại, lao động sẽ làm công việc, mức lương khác nhau. Hiện, Rumani là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt nhất với khoảng 4.100 người, trong đó 90% làm ở lĩnh vực xây dựng, công nghiệp. Lương thấp nhất của lao động phổ thông là 650 USD mỗi tháng, nếu có tay nghề là 800-1.000 USD. Ngày làm 8 tiếng, tuần làm việc 5 ngày.

Các doanh nghiệp ở Nga muốn tuyển công nhân nhà máy, chế biến thực phẩm, thợ vận hành các lại máy công nghiệp… Thu nhập bình quân mỗi tháng 500-700 USD, thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng, mỗi tháng 22 ngày, tăng ca tính riêng. Tương tự, Bulgaria, Hungary, Ba Lan cũng có nhu cầu tuyển lao động phổ thông có tay nghề ở các ngành công, nông nghiệp. Lương cơ bản dao động 500-750 USD mỗi tháng, tùy công việc và chưa kể tăng ca.

Đối với thị trường châu Âu, hầu hết lao động được lo chỗ ăn ở, chi phí đi lại giữa nơi ở, làm việc. Vé máy bay lượt đi, về khi bắt đầu và kết thúc hợp đồng được doanh nghiệp chi trả. Tùy nước, hợp đồng kéo dài 2-3 năm và có thể gia hạn. Chi phí đi lại chủ yếu bao gồm tiền dịch vụ và lệ phí visa. Tiền dịch vụ được quy định không quá một tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi năm làm việc.

Theo ông Tuấn, ít nhất trong 5 năm tới Nhật, Hàn vẫn là thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Các nước châu Âu mới bắt đầu tiếp nhận lao động ngoài khối EU và đang ở mức dè dặt, chủ yếu đang thử nghiệm. “Lao động muốn đi châu Âu cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp tuyển, có thể gọi đến tổng đài của Cục quản lý lao động ngoài nước để kiểm tra, tránh bị lừa”, ông Tuấn nói.

LÊ TUYẾT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *