Tư duy về cử nhân chạy xe ôm công nghệ

Tài cán học được ở đại học không được đem ra cống hiến, nhiều sinh viên lại tranh công việc vốn phù hợp với người già, lao động phổ thông’.

Tình trạng cắt giảm lao động tăng cao do kinh tế suy thoái khiến một lực lượng không nhỏ công nhân, người lao động bị mất việc làm. Sinh viên mới ra trường cũng khó tìm kiếm được công việc phù hợp với chuyên ngành mà mình được đào tạo. Nhiều cử nhân ra trường chạy đua làm xe ôm công nghệ, coi đây là một nghề “hái ra tiền”. Theo một thống kê cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200.000 lái xe công nghệ của Grab, trong đó 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Nói về việc coi chạy xe ôm công nghệ như một nghề chính của nhiều bạn trẻ hiện nay, độc giả Sonham lo ngại: “Đã có thời các bạn trẻ tôn vinh giá trị của công việc chạy xe ôm công nghệ mang lại. Có lẽ, giờ họ sẽ phải suy nghĩ lại. Cứ hình dung tới nửa triệu lao động đi làm xe ôm, không ít trong số đó là sinh viên đại học có bằng cử nhân, vậy thử hỏi làm sao bền vững được?

Tài cán học được suốt bốn năm đại học nay không được đem ra để cống hiến, nhiều sinh viên lại đi tranh những việc đơn giản vốn phù hợp cho những người già, lao động phổ thông. Họ chạy theo ảo vọng ‘tiền tươi thóc thật’ mà đánh mất đi giá trị của bản thân. Không lẽ các bạn định chạy xe ôm cả đời hay sao?

Nói gì thì nói, xe ôm vẫn chỉ là một công việc thời vụ, chữa cháy tạm thời. Ở góc nhìn vĩ mô, càng nhiều người trẻ chạy xe ôm công nghệ sẽ là một mối lo ngại lớn. Một đất nước không thể trở nên hùng cường được khi một lượng lớn lao động trẻ kéo nhau chạy xe ôm hết như vậy.

Nếu ủng hộ xu thế này, đến một lúc nào đó, khi thu nhập của chính bạn không đủ trang trải cho những dịch vụ tài xế như vậy thì liệu bạn có giúp đỡ họ được nữa không? Ngành nghề như vậy không nên được khuyến khích. Tôi nói ở đây là mong muốn tốt cho tương lai của giới trẻ chứ không có ý bỉ bôi gì nghề nghiệp của bất cứ ai”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Ket Cau Thep nhận định: “Hôm rồi, đi một chuyến Grab, tôi gặp một tài xế tầm 35-40 tuổi, nhà ở quê, đưa cả vợ và hai con lên thành phố. Anh nói chuyện, ngày trước chạy Grab còn có đồng ra đồng vào, thỉnh thoảng thèm bát phở cũng có tiền để ăn, nhưng mấy năm gần đây không kiếm được mấy đồng, cho nên không dám nghĩ đến ăn phở. Một ngày, anh chạy cố lắm cũng chỉ đủ cho con đi học thêm một buổi ở nhà cô giáo (khoảng 200.000 nghìn đồng). Anh chỉ còn biết đành phải cố cho con bằng bè bằng bạn. Nghĩ mà thấy tội cho người chạy xe ôm công nghệ”.

Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả My Loveis Winter lại có cái nhìn khác về câu chuyện người trẻ chạy xe ôm công nghệ: “Các bạn chê trách nghề xe ôm công nghệ hãy thử xách xe đi làm ‘việc đơn giản’ đó một tuần để xe nó có thực sự dễ dàng không? Tôi cho rằng, công việc nào cũng có cái lợi, cái hại riêng và mỗi người ở một thời điểm đều có cách cống hiến cho xã hội khác nhau, miễn là họ sống tốt, không vi phạm pháp luật. Thử hỏi, nếu không có những con người đó đi ra ngoài kia đương đầu với mưa gió, rét, nắng thì bạn có thể ung dung đi làm, hay lên mạng đặt đồ ăn tận miệng không?

Người chạy xe ôm cũng là làm công ăn lương. Cá nhân tôi cũng làm việc văn phòng, nhưng đều coi công nhân, lái xe, bảo vệ đều như nhau. Họ đều đáng được coi trọng và tôn vinh. Bởi vì nếu không có những sự cần cù, mồ hôi của họ, chúng ta sẽ không được thoải mái, tiện lợi, kinh tế cũng không thể phát triển như thế. Nhiều khi nếu lực lượng này nghỉ, không chỉ chúng ta, mà chính sếp chúng ta cũng lao đao và công ty phải đóng cửa, khi đó bạn sẽ làm gì? Đã bao giờ bạn lâm vào hoàn cảnh đường cùng chưa? Đã bao giờ làm việc hôm nay, mai không có gì ăn chưa? Hãy nghĩ trước khi phán xét họ”.

Đứng trên góc độ thu nhập, bạn đọc Van Hung đồng cảm với lựa chọn chạy xe ôm công nghệ của nhiều người trẻ: “Người trẻ chạy xe ôm công nghệ không phải là tranh giành công việc với người già. Họ đi học xong, ra làm chuyên ngành nhưng thu nhập thấp hơn chạy xe ôm công nghệ thì họ chọn chạy xe thôi. Có người còn vừa đi làm công ty vừa tranh thủ chạy xe công nghệ. Thời thế mỗi lúc mỗi khác, bạn học xong ra đi làm cũng có lúc thất nghiệp vậy, chứ đâu chỉ mỗi nghề xe ôm công nghệ mới bấp bênh. Chung quy lại, ai làm gì cũng được, miễn ra tiền và đúng luật pháp thì cứ làm thôi”.

Tất cả các ý kiến ở trên đều đúng ở một góc nhìn nào đó. Với VNC, nếu các bạn coi đó là công việc giải quyết tài chính ngắn hạn thì được, giống như các bạn đang học tập ở nước ngoài vẫn làm thêm công việc chạy bàn, phát báo, … cả kể “gặm bánh mì” nhưng vẫn nuôi chí lớn phát triển lĩnh vực mà mình đang học thì rất xứng đáng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *